10 chiêu giảm bill tiền điện trong những tháng hè nắng nóng

Vài tháng nay, chắc hẳn nhiều gia đình đã “tá hỏa” với hóa đơn tiền điện. Nhà nhà, người người vội tìm mọi cách để giảm tiêu thụ điện

Hãy áp dụng ngay những giải pháp tiết kiệm điện mùa hè nhé! Ảnh: Shutterstock

Vài tháng nay, chắc hẳn nhiều gia đình đã “tá hỏa” với hóa đơn tiền điện. Nhà nhà, người người vội tìm mọi cách để giảm tiêu thụ điện. Tuy nhiên, với nhiệt độ nắng nóng, chúng ta vẫn tốn rất nhiều điện cho mục đích giải nhiệt như máy lạnh, quạt. Làm thế nào để tối ưu hơn, tiết kiệm điện mùa hè?

Không mở máy lạnh ở nhiệt độ thấp là giải pháp tiết kiệm điện mùa hè

Càng để nhiệt độ thấp, máy lạnh sẽ càng tốn nhiều điện năng. Ngay cả bản thân bạn cũng có nguy cơ tốn thêm tiền thuốc vì bệnh. Khi ở trong phòng quá lạnh, bạn có dễ bị bệnh về hô hấp. Chưa kể, từ trong phòng bước ra ngoài, bạn dễ bị sốc nhiệt, choáng váng và ngất xỉu.

Các bác sĩ khuyến cáo, độ chênh lệch nhiệt độ ở trong phòng và bên ngoài nên là 7-8 độ C. Tức là khi nhiệt độ ngoài trời 37 độ C, bạn để nhiệt độ phòng 29 độ C là lý tưởng. Theo chuyên gia từ các hãng máy lạnh, nhiệt độ từ 26 độ C trở lên sẽ ít tiêu hao điện năng. Đồng thời, nó cũng giúp duy trì tuổi thọ máy lạnh.

Vệ sinh màng lọc các thiết bị điều hòa

Bao lâu rồi bạn không vệ sinh các màng lọc của máy lạnh, quạt hơi…? Số lần bảo dưỡng sẽ tùy thuộc vào môi trường và tần suất sử dụng trong năm. Nhưng theo các chuyên gia về điện lạnh, bạn nên bảo dưỡng máy lạnh 3-4 tháng/lần (tùy vào mức độ sử dụng thường xuyên). Làm sạch các màng lọc, máy sẽ hoạt động êm ái hơn, ít hao điện hơn. Tất nhiên, bạn cũng có một bầu không khí sạch sẽ hơn.

tiết kiệm điện mùa hè

Nhiệt độ máy lạnh không nên để quá thấp. Ảnh: Shutterstock

Thêm vật liệu cách nhiệt trong nhà

So với các giải pháp chống nóng như lắp máy lạnh, gắn thêm quạt… việc lắp thêm vật liệu cách nhiệt còn khá xa lạ với người Việt. Vật liệu cách nhiệt là những vật liệu được làm từ chất vô cơ đến hữu cơ, với các hệ số cách nhiệt thấp từ 0,020 W/mK đến 0,045 W/mK. Chúng có trọng lượng nhẹ, dễ vận chuyển và thi công. Lực chịu nén và độ bền cao. Ưu điểm khác của vật liệu cách nhiệt là chống ăn mòn cực tốt, khả năng chống thấm, chống ẩm tốt nên hạn chế nấm mốc ở mức tối đa.

Các loại vật liệu cách nhiệt chống nóng phổ biến hiện nay gồm túi khí cách nhiệt; xốp XPS cách nhiệt; bông thủy tinh; xốp PU cách nhiệt và thạch cao tấm. Sử dụng các thiết bị làm lạnh thông thường để cách nhiệt sẽ không giải quyết triệt để còn gây tốn kém về lâu dài. Chính vì thế, lắp thêm vật liệu cách nhiệt sẽ giúp điều hòa không khí tốt hơn, tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện năng của các thiết bị làm lạnh.

Sơn chống nóng

Sơn chống nóng là một loại vật liệu khá phổ biến, được nhiều gia đình sử dụng. Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại sơn chất lượng vừa bảo vệ tường vừa cách nhiệt hiệu quả. Đồng thời màu sơn còn làm tăng giá trị thẩm mỹ cho ngôi nhà. Tuy nhiên, sơn chống nóng chỉ đem lại hiệu quả giảm nhiệt đôi chút.

Thay tôn chống nóng

Nếu bạn ở nhà phố, việc thay tôn chống nóng cũng là một giải pháp giảm nhiệt cho căn nhà. Nó cũng là giải pháp tiết kiệm điện mùa hè hiệu quả. Tôn chống nóng được thiết kế thêm một lớp PU cách nhiệt. Ưu điểm là chi phí phải chăng, đồng thời có khả năng cách âm rất hiệu quả.

Thay quần áo

Mùa hè, bạn nên lựa chọn những trang phục mỏng, nhẹ, thoáng. Chất liệu nên là cotton, thun lạnh, voan, rayon (tơ nhân tạo), lụa (silk) và tre.

Cotton là loại vải phổ biến nhất để may quần vào mùa hè bởi giá thành vừa phải, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Hơn nữa, chúng có khả năng thấm hút mồ hôi cực tốt.

Vải rayon cũng là lựa chọn thích hợp cho bạn. Được cấu tạo từ một số sợi tổng hợp và cotton, rayon tạo thành chất vải thoáng khí và mềm mịn, mang đến sự thoáng mát cho bạn trong mùa hè.

Rút tất cả phích cắm khi không sử dụng để tiết kiệm điện. Ảnh: Shutterstock

Rút phích cắm các thiết bị điện

Mặc dù không sử dụng, nhưng những thiết bị cắm sẵn điện vẫn tiêu tốn một lượng điện nhỏ. Tích tiểu thành đại, bạn vẫn phải trả một khoản tiền vô lý mỗi tháng. Do đó, để tiết kiệm điện mùa hè hay bất kỳ mùa nào trong năm, khi không dùng tới, hãy rút tất cả phích cắm, nhất là tivi, loa, máy giặt, cục sạc, máy tính…

Sử dụng bóng đèn LED

Nếu như trước kia, đèn compact là giải pháp thay thế cho đèn sợi tóc, đèn huỳnh quang để tiết kiệm điện, thì giờ đây, đèn LED là giải pháp thay thế tối ưu. Sử dụng đèn LED tiết kiệm điện và năng lượng hơn vì công nghệ LED (đi-ốt phát sáng) chuyển đổi khoảng 95% năng lượng thành ánh sáng và chỉ lãng phí 5% dưới dạng nhiệt.

Mặc dù đèn LED đắt hơn, chúng vẫn tiết kiệm tiền vì chúng tồn tại trong thời gian dài và sử dụng năng lượng rất thấp. Loại đèn này chỉ tốn 20 – 25% năng lượng điện và có tuổi thọ cao hơn 15 – 25 lần so với bóng đèn sợi đốt truyền thống. Không những thế, đèn LED còn dễ bảo quản, dễ lắp đặt, không có tia UV và thân thiện với môi trường.

Kiểm tra miếng hít cửa tủ lạnh

Cửa tủ lạnh phải luôn được đóng sát và hít chặt với thành tủ. Như vậy, thiết bị mới hoạt động hiệu quả và ít hao điện. Bạn nên kiểm ra các góc cửa. Đây là vị trí dễ hở nhất. Nếu phát hiện luồng hơi lạnh tỏa ra, bạn cần gọi bảo trì đến và khắc phục ngay.

Tắm nước ít nóng hơn là cách tiết kiệm điện mùa hè

Bạn có thói quen tắm nước nóng. Không nên vì mùa hè nóng bức mà bạn phải tắm nước lạnh. Như vậy bạn càng dễ bệnh hơn. Nếu như trước đây, bạn để nhiệt độ là 40 độ C, thì bây giờ, bạn điều chỉnh còn 35 độ C. Ở mức này, nước vẫn âm ấm, đủ để bạn thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Giảm nhiệt độ giúp thiết bị ít tốn điện hơn, tiết kiệm điện mùa hè.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua